DIỄN ĐÀN SINH VIÊN VĨNH LONG
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
DIỄN ĐÀN SINH VIÊN VĨNH LONG

Nơi học tập trao đổi + chia sẽ kinh nghiệm giữa các sinh viên Vĩnh Long

Dien dan moi tham lap, mong cac ban ung ho, hay truy cap thuong xuyen, gop phan duy tri he thong.

You are not connected. Please login or register

xe om hanh nghe trong bong toi

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1xe om hanh nghe trong bong toi Empty xe om hanh nghe trong bong toi Sat Nov 20, 2010 1:20 pm

tobe


Sao cap 1
Sao cap 1

Nội những ngày mưa phùn, cái giá lạnh đủ làm cho những ngón tay tôi tê cóng chỉ sau một vòng lượn phố. Dũng rít một hơi phuốc dài, uống một ngụm trà nóng, gạt những hạt nước mưa rơi xuống trên mặt và nói: “Chiều tới giờ, em chạy cả mấy chục vòng rồi đấy, cũng chả sợ lạnh, quen rồi”.

Câu chuyện của tôi và Dũng đã chẳng cởi mở như thế, nếu không bắt đầu từ cái xe Wave biển 33 của Dũng, cùng đồng hương “Hà Nhì – Hà Lội 2”. Dũng mới chỉ hơn 20, nhưng trông già hơn nhiều với gương mặt sạm đen từng trải, mà theo lời Dũng là “đi nhiều nên bạc mặt ra, mà làm cái nghề này thì mặt mũi nó cứ trơ trơ là đúng”. Nghề của Dũng (mà cũng chả biết có nên gọi là nghề hay không) là làm xe ôm, nhưng không theo đúng cái nghĩa của 2 từ “xe ôm” mà người ta vẫn quen dùng. Xe ôm nhưng chỉ hoạt động từ chiều cho đến đêm, cho một đối tượng duy nhất là gái karaoke ôm, gái gọi, cũng không đứng đợi khách và tính tiền theo quãng đường như một xe ôm thông thường.





Xe ôm hoạt động khác với cách thông thường

Quê Dũng ở một làng nghèo của một xã nghèo, làm ruộng chả đủ ăn, nên những ai có đủ sức khỏe thường ra trung tâm Hà Nội kiếm đủ thứ việc để làm. Nhà Dũng thuộc dạng “nghèo của nghèo”, bố mất sớm, mẹ quanh năm đau yếu chẳng làm được gì, lại thêm bà nội ốm triền miên không thuốc chữa. Học đến lớp 8 thì Dũng bỏ học, sau đó lên Hà Nội làm kiếm tiền, bởi sau Dũng còn có một thằng em nữa. Bà nội, mẹ, cộng thêm việc phải nuôi một thằng em đang đi học nghề, Dũng quyết định theo chân mấy ông anh đi làm phu xây dựng.

Công việc cho Dũng lúc đó là kéo xe bò chở vật liệu xây dựng từ đường lớn vào sâu trong ngõ, khuân xi măng, bốc gạch, xách vôi vữa… và vô số những thứ việc linh tinh khác. Ban đầu, một ngày lao động nặng nhọc được trả 20 nghìn đồng, rồi 30 nghìn đồng, cộng thêm 2 bữa ăn cơm rau là chính, tối ngủ lán thợ, một tháng Dũng cũng gửi được vể cho mẹ vài trăm nghìn. Làm được hơn năm thì ông chủ thầu xây dựng phá sản, một người anh em họ rủ Dũng đi làm trông xe, phục vụ quán karaoke. Công việc nhàn hơn, làm chủ yếu về đêm, lương có cao hơn một chút.

Lần đầu nhìn thấy gái, Dũng còn chả hiểu đó là gì. “Em thấy ông anh cứ dắt cả đám lên phòng, bật điện cho khách nhìn rõ mặt nhân viên, dắt từng em lên phía trước cho người ta chọn, cái cảnh chả khác gì người ta chọn lợn chọn gà ở chợ quê em”, nhưng sau rồi dần thì Dũng cũng quen, cũng chả còn lạ gì những cô gái mặt bự phấn nhưng cũng là dân quê như mình.

Làm được gần năm thì vợ chồng ông chủ quán karaoke vỡ nợ vì cờ bạc lô đề, phải bán lại quán. Lúc đó gần Tết, mẹ ốm liệt giường, tiền lương làm mấy tháng không được nhận, Dũng chỉ đủ tiền mua gói mì tôm ăn tạm nói gì đến gửi tiền về nhà. Một ông anh người quen chuyên chở gái đến quán bị tai nạn gẫy chân ngỏ ý cho mượn tạm chiếc xe và giới thiệu mối làm ăn cho Dũng. “Đầu tiên em cũng chả định làm, nhưng lúc đó mà không làm cái nghề này thì có khi nhà em không có lấy miếng thịt mà gói bánh chưng, thế là em làm thôi”, Dũng nói trong làn khói thuốc.

Không khỏe, không liều thì cũng chẳng làm được

Công việc của “xe ôm” kiểu này là chiều chiều chở gái đến các quán karaoke, hoặc chở mối quen “đi làm” ở các nhà nghỉ. Khu vực đón khách chính là dọc Thái Hà hoặc đầu Nguyễn Chí Thanh, cứ chiều chiều và đêm xuống là ở đây không khác gì cái chợ. Chiếc xe Dũng đang dùng đã được làm lại máy, đủ khỏe để “cân” được 4-5 người. Một em ngồi ở đằng trước, đầu thụp xuống, sau lưng 3 em mắt xanh mỏ đỏ khác phóng ầm ầm, đi ngược đường và phi lên cả vỉa hè, đó là chân dung thường thấy của những xe ôm chở gái. Dũng tổng kết: “Làm cái này cũng cần sức khỏe, và cả phải liều, đêm mưa lạnh cũng đi hết, đang ốm mà nửa đêm có khách cũng đi”. Dũng cho biết trước cũng có một bác lớn tuổi làm, nhưng sau chỉ được hơn tuần là bỏ, vì không đủ sức…





“Mấy thằng cũng làm như em đầy thằng nghiện, hoặc cờ bạc lô đề nợ nần chồng chất, có thằng còn đi cướp giật trên đường. Em thì chỉ chạy xe thôi…”, Dũng kể đến đấy thì tránh đi. Mà cũng chẳng cần kể nhiều thì tôi cũng hiểu sau nhiều lần lang thang thâm nhập vào cái thế giới của xe ôm chở gái.

Nhiều trường hợp, xe ôm chở gái kiêm luôn việc làm tay sai, ma cô chăn dắt gái cho má mì và trực tiếp bảo kê cho gái. Tiền đi khách được thu về cho má mì từ chính những kẻ này, thậm chí "xe ôm" sẵn sàng “xử đẹp” khi gái dám làm trò qua mặt, đánh lẻ. Một lần trên đường Khuất Duy Tiến, tôi đã từng được chứng kiến cảnh 2 “xe ôm” rút “phớ” rượt thừa sống thiếu chết 2 khách làng chơi say rượu định quỵt tiền. Kiếm được hàn vào ống tuýt nước, đút gọn dọc yên xe, rút ra sáng loáng. Thế nên dễ hiểu vì sao, tìm “một thằng xe ôm chở ---- tử tế” lại khó thế.

Từ ngày vào nghề, Dũng thuộc địa chỉ cả trăm nhà nghỉ lẫn quán karaoke, cứ nói tên là biết ngay. “Có lần va phải một bà đi đường, bà ấy quay lại chửi là một lũ mạt hạng anh ạ, mấy đứa con gái sấn sổ nhảy xuống định đánh nhưng em can lại. Mà người ta nói cũng đúng thôi, ở làng họ biết họ bảo tưởng thằng Dũng lên Hà Nội làm gì, hóa ra đi làm xe ôm chở ----, nên em đi làm sợ nhất người làng chẳng may nhìn thấy mặt”, Dũng nói. Khi tôi hỏi đi xe chở 3-4 thế này có bị CSCĐ bắt không, Dũng nói rằng cũng có vài lần, rồi nói thêm “mà cái loại như bọn em người ta còn chả thèm bắt cơ, thế mới nhục”.

Kiếm tiền làm mâm cơm Tết cho ra hồn

“Đừng nghe ---- kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày”, còn câu chuyện của “xe ôm chở gái” cũng có chi tiết chả khác như trong tiểu thuyết. Dũng bảo đã từng có một em làm gái yêu mình, “nó quê Tuyên Quang anh ạ, bố mẹ đi tù vì buôn ma túy, ngày nào cũng gặp nhau rồi sau nó bảo nó yêu em”. Nhưng rồi, cô gái ấy nói rằng mình chẳng ra cái gì, chẳng xứng đáng với Dũng rồi sau đó không còn liên lạc nữa. Dũng cũng đã một lần thầm thương trộm nhớ một cô bé bưng bê ở quán cafe nhưng cũng lại nghĩ “mình chả ra cái gì” nên không dám nói. “Sau rồi nó bị 1 thằng lừa có bầu rồi chạy mất, em thương nó lắm, nhưng chả biết làm thế nào, thôi nhắc lại làm gì thêm buồn”, Dũng vừa kể vừa nhai cái bánh mì nóng cho đỡ đói.

Dũng bảo chắc sau Tết kiếm cái nghề gì khác làm, chứ không làm nghề này nữa, nhưng mà cũng chả biết rồi sẽ làm gì. Tết này, Dũng cũng dành dụm được một ít tiền về quê thuốc thang, sắm Tết cho mẹ. Dũng tính mua cái thủ lợn gói giò, mấy năm rồi nhà Dũng chả có thứ này. Tiền đóng học cho thằng em đi học nghề cũng tốn, chỉ mong nó kiếm được chân làm công nhân ở nhà máy nào đó sau khi ra trường. “Tết này bà em lên thượng thọ 70, mà ở quê em, dù nghèo mấy cũng phải mua cho cụ già được cái khăn, cái áo mới. Còn tiền sửa sang lại mộ cho bố em, tiền làm lại cái mái nhà cũ nát nữa”.

Ra về, hình ảnh cuối cùng còn lại trong tôi là cái bóng Dũng hắt trên nền đường, trong cái màn mưa phùn của một đêm đông Hà Nội. Tết đôi khi cũng là một gánh nặng, nhưng dù sao, đó cũng là một dịp để những người lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề được về với mái ấm gia đình, ăn một cái Tết nghèo sau một năm mưu sinh vất vả.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết